Trẻ em ngoài vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng cần được quan tâm, cũng cần được làm phong phú đời sống tinh thần. Cha mẹ nên cùng bé tham gia những trò chơi làng quê nho nhỏ. Đó có thể là chơi trốn tìm, chơi bán hàng hay thậm chí là cùng nhau nặn đất. Sau đây babycuteplus sẽ giúp cha mẹ có được cái nhìn tổng quan về việc dạy bé chơi đất nặn nhé.
Ở lứa tuổi nào có thể dạy bé chơi đất nặn:
Cha mẹ nên lưu ý, đất nặn là một món đồ chơi tưởng chừng như vô hại nhưng không nên cho trẻ chơi quá sớm. Bởi lẽ trong các loại đất nặn hầu hết đều có chứa một ít hóa chất không tốt. Vì vậy để an toàn, cha mẹ nên bắt đầu dạy bé chơi đất nặn từ khi 3 tuổi Ở lứa tuổi này, trẻ đã bắt đầu nhận thức được nhiều hơn. Có thể diễn đạt được suy nghĩ của bản thân. Vì vậy trẻ cũng sẽ biết được mối nguy hiểm nếu được hướng dẫn từ người lớn.
Ngoài ra với những trẻ nhỏ hơn, khả năng cảm nhận đồ vật thường thông qua vị giác. Nói cách khác trẻ hay ngậm, hay liếm đồ vật lạ. Điều này sẽ khiến đất nặn thành mối nguy hại cho trẻ. Bên cạnh đó, ở lứa tuổi mầm non, sức sáng tạo của trẻ cần được kích thích. Nên ngoài những trò chơi cho trẻ mầm non như nhảy lò cò, nhảy qua hộp, hãy cùng bé chơi những trò chơi tĩnh. Chơi với đất nặn chính là một trò chơi hoàn toàn phù hợp.
Lựa chọn thế nào để chơi đất nặn được an toàn:

Cha mẹ nên lựa chọn thương hiệu đất nặn uy tín. Trên thị trường có rất nhiều loại đất nặn với nhiều mức giá. Nhưng không có nghĩa là đất nặn có mức giá cao thì sẽ an toàn. Cha mẹ cần xem kỹ bản thành phần của chúng. Đảm bảo đất nặn không chứa hàn the – chất để tạo độ dính. Hóa chất này có thể gây mẩn ngứa, tiêu chảy, nôn nếu trẻ bị phơi nhiễm quá hàm lượng cho phép. Bên cạnh đó, các chất tạo mùi trong đất nặn có thể gây ảnh hưởng đến khứu giác của trẻ. Với những chất tạo màu nhân tạo có thể bám dính vào tay trẻ rửa không sạch. Khi ăn vào nguy cơ ngộ độc là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy cha mẹ hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi dạy bé chơi đất nặn.
Dù có bận rộn đến đâu, hãy luôn đảm bảo cha mẹ cùng bé chơi đất nặn:
Cha mẹ hãy dành thời gian cho con nhiều hơn, cùng trẻ chơi trò nặn đất. Đây là khoảng thời gian giúp gắn bó tình cảm gia đình. Mặt khác nó còn giúp chúng ta kiểm soát được những mối nguy hại trong khi trẻ chơi. Trong lúc chơi, có những khi vì tò mò, trẻ có thể cho đất nặn lên mũi để ngửi hay lên miệng để nếm. Hoặc trong những hũ đất nặn có tặng kèm những món đồ chơi nhỏ xinh, có thể khiến trẻ vô tình ngậm hay nuốt phải. Vì vậy hãy đảm bảo luôn có sự giám sát của người lớn khi bé chơi đất nặn.
Những lợi ích khi dạy bé chơi đất nặn:

- Trẻ sẽ phát triển và điều khiển tốt lực tay của bản thân: Trẻ mầm non cần phát triển lực của bàn tay để dễ dàng cầm bút, hoặc tập chơi nhạc cụ… sau này. Vì vậy khi bé chơi đất nặn, lực tay qua các thao tác nhào, nặn, lăn, cắt… sẽ được luyện thuần thục hơn.
- Sức sáng tạo của trẻ sẽ được kích thích: ở lứa tuổi này trẻ cần được khơi gợi sức sáng tạo. hãy khuyến khích trẻ tưởng tượng, và nặn ra bất kì hình thù gì theo tâm trí của trẻ. Đừng quá ngạc nhiên nếu trẻ đưa bạn một con vật ngộ nghĩnh và giải thích đó là con chó hoặc con mèo. Bởi đơn giản bạn cần để cho tâm hồn trẻ bay bổng tự do.
- Dạy bé chơi đất nặn sẽ giúp phát triển các giác quan của trẻ: thị giác trẻ sẽ nhận biết được các màu sắc căn bản qua các viên đất nặn. Khứu giác trẻ có thể cảm nhận được vài mùi hương quen thuộc. Riêng xúc giác trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ. Trẻ sẽ cảm nhận được độ mềm, dẻo, độ dính của đất nặn.
Các trò chơi để dạy bé chơi đất nặn hứng thú hơn:

- Bé chơi đất nặn theo trí tưởng tượng: hãy ra cho bé “đề bài”, và để bé thỏa sức thể hiện. Ví dụ, hãy nặn một vườn thú trong mơ của bé. Khi đó bé sẽ nặn ra các con vật như bé thích, có thể chúng không giống thực tế. Nhưng chúng sẽ phản ánh được sức sáng tạo, mong muốn và mức độ yêu thích động vật của con.
- Sử dụng những chiếc khuôn có sẵn làm thành những đồ vật quen thuộc: hãy gợi ý cho trẻ dùng những chiếc khuôn hình tròn, vuông, tam giác… có sẵn. Sau đó kết hợp cùng các đồ vật trang trí làm thành những món đồ như bánh kem, bánh pizza, quả bóng…. Trẻ sẽ học được thêm các hình khối, các món đồ vật xung quanh và phát triển sự khéo léo.
- Cùng bé tự tạo ra đất nặn cho riêng mình: hãy tìm một ít bột mì, dầu ăn, màu thực phẩm cùng với nước sạch. Sau đó cho nước vào bột, trộn đều đến khi dẻo dính. Cho hỗn hợp lên bếp, khuấy đều đến khi không còn bết dính vào nồi là đạt. Đổ phần bột ra để nhồi thật kĩ, trong khi nhồi cho màu vào theo ý thích. Sau khi phần màu hòa lẫn vào bột là có thể dùng được. Mẹ hãy tạo điều kiện cho bé phụ khuấy bột, nhào bột hoặc chọn màu nhé. Chú ý tránh xa khu vực bếp hay nồi bột đang nóng để tránh tổn thương.
Trên đây là vài gợi ý giúp cha mẹ dạy bé chơi đất nặn được an toàn và hiệu quả hơn. Mong rằng bài viết thực sự hữu ích cho mỗi gia đình. Mến chào cả nhà!